Ngày 25 tháng 6 năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9/ Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật số: 85/2025/QH15
VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ, LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH, LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, LUẬT PHÁ SẢN VÀ LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
Riêng Tố tụng Dân sự - có 18 sửa đổi sau đây:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều 18. Giám đốc việc xét xử
Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 như sau:
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực
Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; giải quyết những yêu cầu quy định tại các điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật này.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:
“Điều 36. Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân khu vực
1. Tòa Dân sự Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự, lao động, trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về kinh doanh, thương mại, trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
4. Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về hôn nhân và gia đình.
5. Đối với Tòa án nhân dân khu vực chưa có Tòa chuyên trách thì Chánh án Tòa án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử và phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 37 như sau:
“Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 như sau:
“Điều 38. Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa Dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này, trừ những vụ việc dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
3. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại; bản án, quyết định dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Tòa Kinh tế thuộc một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
4. Tòa Lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau:
“Điều 41. Chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền
1. Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị quyết định này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ việc dân sự phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng.
2. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực trong cùng một tỉnh, thành phố do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
3. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.
4. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 53 như sau:
“3. Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
4. Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 56 như sau:
“Điều 56. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án
1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định. Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định việc thay đổi như sau:
a) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân khu vực thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định;
b) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi. Nếu người bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký Tòa án khi giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 368 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoãn phiên tòa, phiên họp, Chánh án Tòa án phải cử người khác thay thế.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 như sau:
“1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”.
10. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 194 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;
b) Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành và được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp là quyết định cuối cùng.”;
b) Bãi bỏ khoản 7.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 315 như sau:
“1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 327 như sau:
“3. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này.”.
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 331 như sau:
“Điều 331. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 336 như sau:
“Điều 336. Gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm
1. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải được gửi ngay cho Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các đương sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.
2. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
3. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.”.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 337 như sau:
“Điều 337. Thẩm quyền giám đốc thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị như sau:
a) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;
b) Toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định tại điểm a khoản này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
3. Những vụ án có tính chất phức tạp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;
b) Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;
c) Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm quy định tại khoản 1 Điều này. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Trường hợp những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.”.
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 341 như sau:
“5. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 337 của Bộ luật này thì phiên tòa xét xử phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán biểu quyết tán thành.
6. Trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 337 của Bộ luật này thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.
Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 337 của Bộ luật này thì phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.”.
17. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 348 như sau:
“b) Họ, tên các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm là Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ghi họ, tên, chức vụ của chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử;”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 354 như sau:
“1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”.
- - - - - - - - -
[NGUỒN: THƯ VIỆN PHÁP LUẬT]