Theo khoản 2 Điều 9 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:
Điều 9. Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục
...
2. Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện:
a) Đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:
- Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
- Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
- Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;
- Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
b) Ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá giáo dục và các thành tích của học sinh được khen thưởng trong năm học vào Học bạ.
Đồng thời, tại Điều 13 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về khen thưởng như sau:
Điều 13. Khen thưởng
1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:
a) Khen thưởng cuối năm học:
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.
...
Như vậy, năm học 2024-2025, học sinh tiểu học sẽ không còn được xét danh hiệu học sinh giỏi. Thay vào đó, theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, các em sẽ được đánh giá theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Căn cứ vào mức đánh giá cuối năm, hiệu trưởng sẽ khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho học sinh đạt mức Hoàn thành xuất sắc và danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh đạt mức Hoàn thành tốt và có thành tích nổi bật hoặc tiến bộ rõ rệt.
Bỏ danh hiệu học sinh giỏi cấp tiểu học: Năm học 2024-2025 học sinh tiểu học được khen thưởng danh hiệu gì? (hình từ internet)
Lộ trình áp dụng Quy định đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 27 thế nào?
Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau:
Điều 2. Quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau:
1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.
3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.
4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.
5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.
Như vây, lộ trình áp dụng Quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27 được triển khai theo từng năm học, bắt đầu từ lớp 1 vào năm học 2020-2021 và hoàn tất với lớp 5 từ năm học 2024-2025. Do đó, từ năm học 2024-2025, toàn bộ học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 trên cả nước đều sẽ được đánh giá theo quy định mới của Thông tư 27.
Yêu cầu đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27
Theo quy định tại Điều 4 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT thì yêu cầu đánh giá học sinh Tiểu học như sau:
- Đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
- Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
[NGUỒN: https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/bo-danh-hieu-hoc-sinh-gioi-cap-tieu-hoc-nam-hoc-20242025-hoc-sinh-tieu-hoc-duoc-khen-thuong-danh-hieu-gi-15481]