LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG 2023
& 7 NHÓM NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng chính là sự kiện nổi bật hàng năm do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện liên tục từ năm 2016 tới nay… Riêng năm 2024, chủ đề ngày Quyền của Người tiêu dùng là “Thông tin minh bạch - tiêu dùng an toàn”. Có thể khẳng định, kinh doanh lành mạnh chính là mục tiêu và động lực để phát triển kinh tế bền vững, và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (LBVNTD 2023) được thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Luật này có một số điểm mới sau đây:
Trước hết, luật này quy định: Ngày 15 tháng 3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (theo Điều 13);
Về nội dung, LBVNTD 2023 quy định rõ nội hàm “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương” với 7 nhóm đối tượng NTD dễ bị tổn thương, đó là: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
(1) Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;
(2) Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
(3) Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em;
(4) Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
(5) Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
(6) Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;
(7) Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2, Điều 8 LBVNTD 2023, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, có những cách thức sau:
- Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng.
- Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.
- Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều này phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trách nhiệm kinh doanh đối với người tiêu dùng dễ bị tổn thương được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 LBVNTD 2023 với một số mục tiêu chính: Bảo đảm việc thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Có cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp; Không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán. Hoặc chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch…
Để thực hiện những điều trên, tại khoản 1 Điều 10 LBVQLNTD 2023, đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, ngoài những quy định chung, Luật mới đã bổ sung 5 hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức bán hàng đa cấp và 6 hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức kinh doanh trên mạng…
Những quy định chung đó bao gồm: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác …; Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…;
Riêng đối với các tổ chức bán hàng đa cấp và tổ chức kinh doanh trên mạng có các hành vi bị nghiêm cấm đặc biệt: Yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp; hoặc sử dụng biện pháp ngăn cản đăng ký, hoạt động, đánh giá, hiển thị phản hồi của tổ cức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Mong rằng các cơ quan chức năng sớm đưa luật này đi vào cuộc sống. Và người dân, với tư cách người tiêu dùng hãy làm chủ cuộc sống mình bằng hành vi tiêu dùng thông minh…
Luật sư PHAN VĂN VĨNH
[Xem toàn văn LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG 2023 tại đây:
http://phanvinhluatsutayninh.com/luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-2023]