Ức lắm rồi, tôi không muốn bị tra tấn nữa!
Đó là tiêu đề bài báo trên NGƯỜI LAO ĐỘNG ONLINE sáng sớm nay, 09/01/2023, đã nêu lên than thở, mà tôi cho là của hầu hết những ai đang dùng điện thoại, nhất là điện thoại thông minh. Lời than thở, mà đúng hơn là lời kêu cầu của đọc giả này như sau:
“Việc phải nhận quá nhiều những cuộc gọi chào mời mua bất động sản, chơi chứng khoán, giới thiệu việc nhẹ lương cao,… khiến tôi ức khôn tả mà chẳng biết kêu ai…”
Đúng vậy, dù các nhà mạng gần đây công bố đã ngăn chặn hơn 26.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác trong những tháng đầu năm 2022. Nghị định 91 của Chính phủ cũng đã quy định về việc xử lý tin nhắn rác và cuộc gọi rác nhưng hàng triệu người dùng vẫn liên tục bị quấy rối.
Theo tôi, việc bị quấy rồi bằng “Cuộc gọi rác” còn nguy hiểm và “khó trị hơn “Tin nhắn rác”. Vì sao?
- Vì, với “Tin nhắn rác” người nhận có thể xem lúc nào cũng được, hoặc không cần xem khi thấy nguồn tin nhắn không phải là người quen hoặc không nằm trong sự quan tâm của mình. Nhưng với “Cuộc gọi rác”, người cầm điện thoại thường “phải” nghe ngay (trừ trường hợp người dùng không cầm, hoặc không ở gần điện thoại của mình;
- Với “Tin nhắn rác”, ít ra nó vẫn lưu trữ trên hệ thống một thời gian nhất định, giúp nhà mạng có thể truy tìm thủ phạm, sau đó là xử lý. Nhưng với “Cuộc gọi rác” với những đầu số lạ, đôi khi là các đầu số từ nước ngoài, làm cho việc “trị” chúng gần như là điều không thể;
- “Cuộc gọi rác” nguy hiểm ở chỗ, người dùng điện thoại khi “bị gọi” không thể biết nó là “rác”. Đến khi nghe xong mới biết, mà khi biết… chỉ bực, chứ không thể nào “bắt” được nó. Đồng thời, dù người dùng có chặn số đó thì số khác vẫn tiếp tục quấy rầy…
Như bản tôi, nhiều lần đang đi gắn máy giữa đường, giữa trời trưa nắng nóng, giữa lúc kẹt xe, hoặc giữa lúc trời đang mưa… vẫn phải bắt máy “tiếp chuyện” với những người không quen, không chờ đợi và không mời này…
Có một thực tế là đến nay, hầu như chưa thấy (hoặc có mà mình không biết) công bố tổ chức, cá nhân nào đã bị xử phạt với hành vi này khiến các quy định thiếu tính răn đe và người dân lại càng thờ ơ với việc phản ánh về các thuê bao đã dội bom tin nhắn hay gọi điện.
Để kết luận, bài báo nói ở trên đã kiến nghị:
Để ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn "rác", cần cơ quan chức năng siết chặt tình trạng mua bán thông tin cá nhân của người khác, áp dụng quy định pháp luật, mạnh tay xử phạt các hành vi vi phạm. Các nhà mạng phải làm tròn trách nhiệm với khách hàng, có giải pháp quản lý được khi phát triển thuê bao mới, xử lý ngay những phản ánh về tin nhắn, cuộc gọi "rác". Đặc biệt, người dùng cũng cần tố giác đến nhà mạng và cơ quan chức năng nếu bị quấy rầy.
Luật sư PHAN VĨNH
(Đoàn luật sư Tây Ninh)
Mời xem BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG ONLINE tại đây: